Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Khởi công xây dựng nhà máy XLNT khu vực Tham Lương - Bến Cát trên sông Vàm Thuật

Nhà máy Xử lý nước thải khu vực Tham Lương – Bến Cát chính thức được khởi công tại Phường An Phú Đông, Quận 12.


Sáng ngày 26 tháng 4 năm 2015, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cùng nhà đầu tư là Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Phú Điền, Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển môi trường SFC Việt Nam, Công ty chứng khoán quốc tế Hoàng Gia tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải lưu vực Tham Lương – Bến Cát (giai đoạn 1) tại phường An Phú Đông, quận 12 theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao, gọi tắt là hợp đồng BT.

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao nhiệm vụ cho nhà đầu tư lập, trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng nhà máy (giai đoạn 1) với công suất là 131.000m/ngày đêm và sẽ mở rộng, nâng cấp tổng công suất nhà máy lên thành 250.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 2). 



Nhà máy này là 01 trong số 12 nhà máy đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2025 theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp 1. Trong quá trình thiết kế và thi công, tuyệt đối tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành tại Việt Nam. 




Chất lượng nước sau xử lý đạt đồng thời 02 Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT. Dự kiến, sẽ thi công hoàn thành nhà máy sau 19 tháng, kể từ ngày khởi công. Dự án nhằm cải thiện vệ sinh môi trường trên địa bàn lưu vực Tham Lương – Bến Cát, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận góp phần bảo vệ chất lượng nguồn nước và môi trường vùng hạ lưu sông Vàm Thuật, sông Sài Gòn.


Công nghệ được chọn để xây dựng nhà máy là công nghệ sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn SBR cải tiến, được gọi là C-Tech kết hợp với xây kín, xử lý mùi phát sinh từ các hạng mục thu gom nước đầu vào chưa xử lý, hạng mục xử lý bùn và hạng mục bể sục khí xử lý sinh học, thiết kế máy làm khô bùn, không có sân phơi bùn cặn, sử dụng công nghệ tia cực tím để khử trùng thay cho hóa chất. Đây là công nghệ hiện đại, tiết kiệm diện tích xây dựng, đảm bảo khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường, tiêu chuẩn nước thải sau xử lý hiện hành. Sau khi xây dựng xong, Nhà máy sẽ được bàn giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố làm chủ sở hữu, quản lý vận hành theo quy định, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Được biết theo quyết định 24/2010/TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, đến năm 2025 TPHCM sẽ có tổng cộng 12 nhà máy xử lý nước thải, chủ yếu tập trung các lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi – Tẻ, Tân Hóa  - Lò Gốm …


Một số hình ảnh thực tế dự án mới cập nhật ngày 08/05/2016:


nha-may-xu-ly-nuoc-thai-an-phu-dong

nha-may-xu-ly-nuoc-thai-an-phu-dong

nha-may-xu-ly-nuoc-thai-an-phu-dong

nha-may-xu-ly-nuoc-thai-an-phu-dong



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét